“Tính mạng con người là trên hết”. Sức khỏe của con người cũng là điều quan trọng nhất bởi vì có sức khỏe là có tất cả. Hiến pháp 2013 quy định quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe là quyền cơ bản của công dân. Mọi hành vi xâm hại sức khỏe, tính mạng của người khác đều là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về quyền cơ bản của con người. Đây cũng là hành vi vô cùng tàn nhẫn, bị xã hội lên án gay gắt và cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Vậy câu hỏi đặt ra là hành vi xâm hại tính mạng con người sẽ bị xử phạt như thế nào? Có thể sẽ bị xử lý hình sự hay không hay chỉ bị xử lý hành chính? Và trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự nếu bị xâm phạm về tính mạng sức khỏe sẽ ra sao? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu về vấn đề “Tội phạm xâm phạm tính mạng con người” qua bài viết sau đây nhé!
Căn cứ pháp lý
Tội phạm xâm phạm tính mạng con người
Các tội xâm phạm tính mạng là những hành vi (hành động hoặc không hành động) có lỗi (cố ý hoặc vô ý) xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của người khác.
Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự thực hiện một cách có lỗi, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, trái pháp luật hình sự, do người đủ điều kiện chủ thể thực hiện.
Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người thuộc Chương XIV của Bộ Luật Hình sự 2015 gồm các tội danh sau (quy định từ Điều 123 đến Điều 140):
– Điều 123. Tội giết người
– Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
– Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
– Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
– Điều 127. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
– Điều 128. Tội vô ý làm chết người
– Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
– Điều 130. Tội bức tử
– Điều 131. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát
– Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
– Điều 133. Tội đe dọa giết người
– Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
– Điều 135. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
– Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
– Điều 137. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ
– Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
– Điều 139. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
– Điều 140. Tội hành hạ người khác
Dấu hiệu pháp lý của các tội về xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người
Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người
Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người. Đây là quan hệ xã hội quan trọng nhất được luật hình sự bảo vệ và bị các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người xâm hại. Vì vậy, hầu hết các tội phạm này đều có tính nguy hiểm cho xã hội rất cao, đòi hỏi phải bị trừng trị nghiêm khắc.Trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quí nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Bởi lẽ, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự
phát triển. Khi quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người bị xâm phạm thì mục tiêu phấn đấu của loài người sẽ trở nên vô nghĩa; động lực phát triển của xã hội sẽ bị triệt tiêu. Thêm vào đó, con người còn là chủ thể của quan hệ xã hội. Nếu quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người bị xâm phạm thì các quan hệ xã hội sẽ bị phá vỡ. Chính vì những lí do trên mà mục tiêu bảo vệ quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người luôn được đặt lên hàng đầu đối với mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi thời kì và mọi chế độ. Cũng vì ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người mà trong các Bộ luật Hình sự từ năm 1985 đến nay, ngay sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia, nhà làm luật đều đã quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người. Điều này càng khẳng định, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người thật sự thiêngiêng, cao quí, cần được bảo vệ một cách tuyệt đối. Bất cứ ai xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người đều phải bị trừng trị nghiêm khắc.
Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người thông qua sự tácđộng làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động – con người đang sống.
Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người
Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là những biểu hiện của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan, bao gồm: Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, hậu quả nguy hiểm cho xã hội của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan với hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Về hành vi :
Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan có sự kiểm soát của ý thức và sự điều khiển của ý chí. Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là hành vi đó phải gây ra hoặc có khả năng gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho người khác một cách trái pháp luật. Những hành vi không gây ra và cũng không có khả năng gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho người khác hoặc tuy có khả năng gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho người khác, nhưng không trái pháp luật (như hành vi phòng vệ chính đáng, hành vi thi hành án tử hình…) thì đều không phải là hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.
Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người có thể được thực hiện dưới hình thức hành động phạm tội hoặc không hành động phạm tội. Hành động phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm mà nội dung của nó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, qua việc chủ thể làm một việc bị pháp luật cấm. Không hành động phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm mà nội dung của nó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.
Trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, có tội hành vi khách quan thường được thực hiện dưới hình thức hành động phạm tội, đó là: Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; tội làm chết người trong khi thi hành công vụ; tội vô ý làm chết người; tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; tội bức tử; tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát; tội đe dọa giết người; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ; tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; tội hành hạ người khác. Có tội hành vi khách quan chỉ được thực hiệndưới hình thức không hành động phạm tội, đó là tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Có tội hành vi khách quan được thực hiện dưới cả hình thức hành động và hình thức không hành động phạm tội, đó là: Tội giết người; tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.
Về hậu quả:
Hậu quả của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người chính là thiệt hại do hành vi phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người gây ra cho quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người. Thiệt hại này được thể hiện dưới dạng thiệt hại về thể chất – hậu quả chết người hoặc tổn thương cơ thể của người khác. Nghiên cứu hậu quả của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành. Vì các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người đều là tội phạm có cấu thành vật chất (chỉ trừ tội hành hạ người khác) nên thời điểm hoàn thành của tội phạm này là thời điểm nạn nhân đã chết giai đoạn cuối cùng của sự chết mà ở đó sự sống của con người không gây ra và cũng không có khả năng hồi phục.
Chủ thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người
Chủ thể của tội phạm nói chung và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người nói riêng là con người có đủ điều kiện để có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Người có đủ điều kiện để có lỗi, để trở thành chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự – năng lực nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi tất yếu của xã hội. Để có được năng lực này con người phải đạt độ tuổi nhất định. Do vậy, độ tuổi cũng là điều kiện của chủ thể của tội phạm nói chung và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người nói riêng. Xuất phát từ mối quan hệ giữa độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, Luật hình sự Việt Nam không trực tiếp quy định người như thế nào là người có năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Với việc quy định này, Luật hình sự Việt Nam mặc nhiên thừa nhận những người đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là những người có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người
Nếu mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là những biểu hiện diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan thì mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người lại là diễn biến tâm lí bên trong của người phạm tội, bao gồm lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Trong các dấu hiệu này, lỗi là dấu hiệu duy nhất bắt buộc phải có trong mặt chủ quan của cấu thành các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người. Lỗi của người phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người
Lỗi của người phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là thái độ tâm lí của người phạm tội đối với hành vi gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho người khác một cách trái pháp luật và đối với hậu quả chết người hoặc tổn thương cơ thể của người khác do hành vi đó gây ra, được biểu hiện dưới hình thức cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người thực hiện hành vi gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho người khác một cách trái pháp luật chỉ bị coi là có lỗi nói chung và có lỗi cố ý nói riêng nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn của họ, trong khi họ có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Động cơ, mục đích của người phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người Khác dấu hiệu lỗi, trong mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, ở một số cấu thành tội phạm có quy định dấu hiệu động cơ hoặc mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc thì việc xác định đúng động cơ, mục đích phạm tội sẽ giúp ta định đúng tội danh, xác định đúng khung hình phạt và phân biệt được các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người với một số tội phạm khác cũng có hành vi cố ý gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho nạn nhân; cụ thể là: Người nào cố ý gây ra cái chết hoặc gây tổn thương cơ thể cho người khác (thường là cán bộ, công chức hoặc công dân đang giữ những trọng trách nhất định) nhằm chống chính quyền nhân dân thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015); không nhằm chống chính quyền nhân dân thì (mới) phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.
Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
Căn cứ vào Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm:
+ Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn sau đây:
Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;
Người thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
+ Đối với con đã thành thai của người chết, tiền cấp dưỡng được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống.
Mời bạn xem thêm bài viết
- Tội xâm phạm tài sản của người khác
- Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là gì?
- Đặc điểm tội phạm về môi trường
Thông tin liên hệ
Trên đây là những vấn đề liên quan đến “Tội phạm xâm phạm tính mạng con người“. Luật sư X tự hào sẽ là đơn vị hàng đầu hỗ trợ mọi vấn đề cho khách hàng liên quan đến tư vấn pháp lý về vấn đề mẫu xin tạm ngừng kinh doanh. Nếu quy khách hàng còn phân vân, hãy đặt câu hỏi cho Luật sư X thông qua số hotline 0833.102.102. chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin và phản hồi nhanh chóng.
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP về vi phạm theo quy định về trật tự công cộng thì đối với hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác bị xử phạt như sau:
– Những hành vi: Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng.
– Đối với các hành vi như: Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Những hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng,
Không chỉ xử phạt hành chính mà những hành vi này còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh….
Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 bạo lực gia đình được hiểu là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Theo quy định tại Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 những hành vi sau đây được xem là bạo lực gia đình:
– Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
– Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
– Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
– Cưỡng ép quan hệ tình dục;
– Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
– Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
– Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
– Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Như vậy, bạo lực gia đình được xem là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người.