Cầm cố tài sản thường xuyên diễn ra trong cuộc sống, nhằm đảm bảo thực hiện các giao dịch dân sự. Vậy trong trường hợp nào chủ cửa hàng cầm đồ được xử lý tài sản cầm cố? Trong nội dung bài viết này, Phòng tư vấn Luật Dân sự của Luật sư X sẽ giới thiệu đến bạn đọc quy định của pháp luật về vấn đề này.
Cơ sở pháp lý
Nội dung tư vấn
Cầm cố tài sản là gì?
Căn cứ Điều 309 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 309. Cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Như vậy, cầm cố tài sản đều là kết quả của sự thoả thuận từ hai phía. Và với mục đích bên có nghĩa vụ hoặc người thứ ba phải bằng tài sản của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ đó trước bên có quyền.
Theo đó, bên nhận cầm cố là bên nhận tài sản từ bên cầm cố đã bảo đảm cho quyền và lợi ích của mình trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ.
Còn bên cầm cố là bên phải giao tài sản để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Thông thường, bên cầm cố là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp.
Quyền xử lý tài sản cầm cố của người nhận cầm cố
Căn cứ khoản 2 Điều 314 Bộ luật dân sự 2015 quy định
Điều 314. Quyền của bên nhận cầm cố
2. Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người có quyền yêu cầu xử lý tài sản theo phương thức đã thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ.
Quyền này chỉ được đặt ra khi đến thời hạn mà nghĩa vụ chính không được thực hiện, thực hiện không đúng hoặc do các bên có thỏa thuận, nhằm qua đó để thoả mãn quyền được thanh toán các khoản lợi ích vật chất của người nhận cầm cố.
Khi nào chủ cửa hàng cầm đồ được xử lý tài sản cầm cố?
Chủ cửa hàng cầm đồ được quyền xử lý tài sản trong các trong trường hợp:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Căn cứ khoản 1 Điều 299 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 299. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Như vậy, khi đến thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ mà bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Thì bên có quyền được xử lý tài sản để bù đắp cho mình các khoản lợi ích mà bên kia không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ
Căn cứ khoản 2 Điều 299 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 299. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
Trong trường hợp bên cầm cố tài sản có hành vi vi phạm nghĩa vụ, như có hành vi tẩu tán, phá hoại làm giảm sút giá trị tài sản cẩm cố; có liên quan đến quyền lợi ích của người thứ ba; hoặc do tài sản cầm cố là đối tượng bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ đã tới hạn thanh toán;…thì có thể thực hiện xử lý tài sản trước thời hạn.
- Các bên có thỏa thuận về xử lý tài sản
Căn cứ khoản 3 Điều 299 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 299. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Pháp luật dân sự tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Do đó, trong trường hợp các bên muốn chấm dứt, thay đổi hợp đồng, xử lý tài sản bảo đảm sớm hoặc muộn hơn có thể tự do thương lượng, thỏa thuận. Tuy nhiên việc xử lý tài sản phải đảm bảo không trái pháp luật và không ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của người khác.
Phương thức xử lý tài sản cầm cố
Các bên có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản
Nếu các bên đã thoả thuận về phương thức xử lý tài sản thì xử lý tài sản theo phương thức đó. Căn cứ Điều 303 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
Tuỳ thuộc vào sự xác định khi hai bên thoả thuận mà có thể tự tiến hành các hành vi tác động trực tiếp đến tài sản để thoả mãn quyền lợi của mình hoặc các bên có thể cùng nhau tiến hành việc xử lý tài sản mà không cần đến sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là biện pháp tiện lợi nhất nên thường được các bên áp dụng trong thực tế.
Các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản
Trong trường hợp các bên chưa thoả thuận về phương thức xử lí tài sản cầm cố thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
Căn cứu khoản 2 Điều 303 Bộ luật dân sự 2015 quy định :
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Bên nhận cầm cố được thanh toán từ số tiền thu được do bán đấu giá sau khi trừ chi phí bảo quản tài sản và chi phí bán đấu giá. Thông qua việc bán đấu giá , quyền lợi của bên nhận cầm cố dược bảo đảm đồng thời cũng bảo đảm được lợi ích cho bên cầm cố. Vì rằng, việc bán đấu giá phải tuân theo quy định của pháp luật và tránh được tình trạng người nhận cầm cố cố tình bán cho được tài sản, miễn sao thu hồi đủ được khoản nợ mà không tính đến sự thất thiệt của bên kia.
Hy vọng những thông tin Luật sư X cung cấp hữu ích với bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Mời bạn xem thêm: Bên nhận cầm cố không trả lại tài sản cầm cố thì giải quyết thế nào?
Câu hỏi thường gặp
Căn cứ Điều 300 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Trước khi xử lý tài sản cầm cố, bên nhận cầm cố phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản cho bên cầm cố.
Đối với tài sản cầm cố có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận cầm cố có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên cầm cố về việc xử lý tài sản đó.
Trong trường hợp tài sản được dùng để cầm cố có nhiều vật thì bên nhận cầm cố được chọn tài sản cụ thể để xử lý, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Bên nhận cầm cố chỉ được xử lý số tài sản cần thiết tương ứng với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm; nếu xử lý quá số tài sản cần thiết và gây ra thiệt hại cho bên cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
Căn cứ Điều 307 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Nếu số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên cầm cố.
Nếu số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì người cầm cố có nghĩa vụ thanh toán phần còn thiếu.
Căn cứ Điều 306 Bộ luật dân sự 2015 quy định định giá tài sản cầm cố như sau:
Bên cầm cố và bên nhận cầm cố có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm.
Trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản.
Việc định giá tài sản bảo đảm phải bảo đảm khách quan, phù hợp với giá thị trường.