Hành lang an toàn đường bộ được định nghĩa là phần đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất ra hai bên để bảo đảm an toàn cho giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. Xây nhà trên đất hành lang giao thông được không? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây của Luật sư X.
Xây nhà trên đất hành lang giao thông được không?
Theo Điều 15 Nghị định 11/2010/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP), giới hạn hành lang an toàn đường bộ xác định theo quy hoạch đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được quy định như sau:
– Đối với đường ngoài đô thị: Phạm vi hành lang an toàn đường bộ có độ rộng tính từ đất của đường bộ trở ra mỗi bên là:
+ 17 mét đối với đường cấp I, cấp II;
+ 13 mét đối với đường cấp III;
+ 09 mét đối với đường cấp IV, cấp V;
+ 04 mét đối với đường có cấp thấp hơn cấp V.
– Đối với đường đô thị, giới hạn hành lang an toàn đường bộ là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được phê duyệt.
– Đối với đường cao tốc ngoài đô thị:
+ 17 mét, tính từ đất của đường bộ ra mỗi bên;
+ 20 mét, tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên đối với cầu cạn và hầm;
– Đối với đường cao tốc trong đô thị:
+ Không nhỏ hơn 10 mét tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên đối với hầm và cầu cạn;
+ Là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với hầm và cầu cạn có đường bên và đường cao tốc có đường bên;
+ Từ mép ngoài của mặt đường đến chỉ giới đường đỏ, nhưng không nhỏ hơn 10 mét đối với đường cao tốc không có đường bên.
– Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt thì phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt, nhưng ranh giới hành lang an toàn dành cho đường sắt không được chồng lên công trình đường bộ.
Trường hợp đường bộ, đường sắt liền kề và chung nhau rãnh dọc thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía nền đường cao hơn, nếu cao độ bằng nhau thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía đường sắt.
– Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa thì ranh giới hành lang an toàn là mép bờ tự nhiên.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 43 Luật Giao thông đường bộ 2008, phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ. Trong phạm vi này không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép như công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí.
Như vậy trong phạm vi đất giao thông đường bộ thì không được xây dựng nhà cửa hay các công trình khác trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí.
Nếu cố tình xây nhà trên đất hành lang an toàn đường bộ là vi phạm quy định của pháp luật.
Xây nhà trên đất hành lang giao thông bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP :
“9. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chiếm dụng đất của đường bộ hoặc đất hành lang an toàn đường bộ để xây dựng nhà ở;
10. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 5, điểm đ khoản 6, điểm b khoản 8, khoản 9 Điều này buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép) và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.”
Như vậy, theo quy định này thì người có hành vi xây dựng nhà ở trên đất hành lang an toàn đường bộ thì sẽ bị xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, người đó sẽ bị buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP):
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b, c, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này”
Do đó, trường hợp có hành vi xây dựng nhà ở trên đất hành lang an toàn đường bộ bị xử phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng thì chủ tịch UBND huyện có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
Mời bạn xem thêm:
- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ như thế nào?
- Mọi hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ được xử lý như thế nào?
Thông tin liên hệ với Luật sư X
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư X về chủ đề: Xây nhà trên đất hành lang giao thông được không?
Hy vọng những kiến thức chúng tôi cung cấp có thể giúp bạn vận dụng vào công việc và cuộc sống. Để có thêm thông tin về những vấn đề khác như: mẫu hợp đồng cho thuê đất làm nhà xưởng, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dịch vụ lập thừa kế nhà đất,… của Luật sư X, hãy liên hệ với chúng tôi.
Liên hệ hotline: 0833.102.102.
Câu hỏi thường gặp
Trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Giao thông đường bộ 2008, được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ. Việc đặt biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.
Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.
Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 43 Luật giao thông đường bộ 2008, Điều 28 Nghị định 11/2010/NĐ-CP, đất hành lang an toàn đường bộ được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ và tuân theo quy định sau đây:
1. Các ao, hồ nuôi trồng thủy sản phải cách mép chân đường một khoảng tối thiểu bằng mức chênh lệch về độ cao giữa mép chân nền đường đắp và đáy ao, hồ. Mức nước trong ao, hồ không được cao hơn cao độ chân nền đường.
Không làm ao, hồ nuôi trồng thủy sản hoặc tích nước phía trên ta luy nền đường đào.
2. Trường hợp trồng cây lương thực, hoa màu, cây ăn quả thì chiều cao của cây không cao quá 0,9 mét (so với mặt đường) ở đoạn nền đường đắp trong khu vực đường cong, nơi giao nhau của đường bộ, giao cắt đường bộ với đường sắt, che khuất tầm nhìn; đối với đường đào thì phải trồng cách mép ngoài dải đất của đường bộ ít nhất là 06 mét.